Vận dụng các phương thức biểu đạt trong văn học là một trong những sự khó khăn và gây hiểu lầm mỗi khi các bạn học sinh vận dụng nó vào trong bài tập làm văn. Vì thế mà chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu rằng có bao nhiêu phương thức biểu đạt và cách nhận biết chúng để các bạn học sinh có thể vận dụng 1 cách tốt nhất nhé.
Phương thức biểu đạt là gì?
Phương thức biểu đạt là cách thức đơn giản dùng ngôn ngữ và giọng điệu để từ đó biểu đạt thái độ, tình cảm và ý nghĩa nào đó. Thông qua các phương thức biểu đạt đó để truyền tải thông điệp, giúp người đọc và người nghe hiểu rõ ràng nhất. Bởi mỗi chúng ta đều mong muốn người khác có thể hiểu đúng và đầy đủ suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Có bao nhiêu phương thức biểu đạt
Hiện tại trong văn học thì có 6 loại phương thức biểu đạt như sau:
Phương thức biểu đạt tự sự
Phương thức biểu đạt Miêu tả
Phương thức biểu đạt biểu cảm
Phương thức biểu đạt Thuyết minh
Phương thức diễn đạt nghị luận
Phương thức biểu đạt Hành chính
Cách nhận biết các phương thức biểu đạt
Để xác định các phương thức biểu đạt là một phần kiến thức quan trọng trong bộ môn ngữ văn. Vì thế mà chúng ta hãy cùng nhau xem cách nhận biết từng phương pháp biểu đạt nhé:
Phương thức biểu đạt tự sự
Tự sự là một phương thức biểu đạt mà ta sẽ dùng ngôn ngữ kể về một chuỗi các sự việc theo trình tự sự việc và dẫn đến kết cục của câu chuyện. Song song đó, dùng phương thức biểu đạt tự sự để có thể truyền tải được hết nội dung của câu chuyện mà ta muốn nói đến cũng như là mang tới sự tạo hình trong tính cách nhân vật qua những từ ngữ. Từ đó, độc giả mới có thể cảm nhận đươcc những câu chuyện mà người viết muốn gởi gắm.
Phương thức tự sự thường được sử dụng trong các tác phẩm như truyện, văn xuôi, tiểu thuyết, văn thơ. Xác định phương thức tự sự qua các dấu hiệu đặc trưng như:
Có cốt truyện
Có ngôi kể thích hợp
Chủ đề và tư tưởng rõ ràng
Có nhân vật tự sự, có sự việc
Các thể loại thường gặp tự sự: bản tin báo chí, văn bản tiểu thuyết, các bản tường trình, tường thuật trong các tác phẩm văn học.
Ví dụ: “Hắn về lần này trông khác hằn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai con mắt gườm gườm trong gớm chết! Hắn mặt cái quần nái đen với áo tây vàng.
Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”
Đây là một đoạn trích nổi bật trong truyện Chí Phèo của Nam Cao. Trong đoạn tự sự này có nhân vật: Chí Phèo, câu chuyện kể về cuộc đời Chí Phèo. Có diễn biến về hành động, có các câu trần thuật.
Phương thức biểu đạt Miêu tả
Phương thức biểu đạt miêu tả là chúng ta sẽ sử dụng ngôn ngữ khiến độc giả và thính giả có thể tưởng tượng ra ngay sự vật, sự việc được nói đến trong tác phẩm. Phương thức biểu đạt miêu tả được thể hiện trong cách diễn tả chi tiết nhân vật hay sự việc. Từ đó độc giả và thính giả sẽ tưởng tượng hay hình dung sự việc, sự vật như đang hiện ra trước mắt.
Phương thức miêu tả cũng không chỉ hướng thứ bên ngoài mà còn lột tả được thế giới nội tâm bên trong. Các phương thức biểu đạt trong văn học miêu tả: được thể hiện qua các câu văn, các câu thơ nhằm tái hiện hình dáng, màu sắc, diện mạo, màu sắc… của người và sự vật.
Văn miêu tả thường thấy trong tả người, tả cảnh, tả tình… Trong văn miêu tả sử dụng linh hoạt tính từ, động từ hoặc các biện pháp tu từ. Các loại văn về tả người, tả phong cảnh, hay bút ký, thơ ca thường xuất hiện ở trong phương thức biểu đạt này.
Ví dụ:
“…Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.
Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xoá cả chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này.”
(Trích Tuỳ bút Người lái đò Sông Đà -Nguyễn Tuân)
Phương thức biểu đạt biểu cảm
Phương thức biểu đạt biểu cảm là một phương thức mà ở đó có sự lồng ghép cảm xúc bằng những tính từ. Từ đó thể hiện cảm xúc của nhân vật trong câu chuyện hay thơ ca. Mục đích của phương thức này khiến cho chúng ta khi đọc hay nghe sẽ có sự cảm động, rung động và đồng cảm với cảm xúc trong tác phẩm.
Cách nhận biết phương thức biểu cảm là các câu văn, câu thơ miêu tả cảm xúc, thái độ của nhân vật trong câu chuyện mà tác giả muốn truyền tải. Lưu ý: biểu cảm ở đây cũng có thể lồng ghép cảm xúc của tác giả và nhân vật chứ không hẳn là toàn bộ cảm xúc của nhân vật trong truyện.
Ví dụ:
”Đò lên Thach Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.”
Phương thức biểu đạt Thuyết minh
Phương thức biểu đạt Thuyết minh là một phương thức nhằm cung cấp, giới thiệu và diễn giải sự vật, hiện tượng nào đó. Văn bản thuyết minh khác với các phương thức khác, đó chỉ đơn thuần là cung cấp tri thức chính xác nhất.
Các kiểu văn bản và phương thức biểu đạt thuyết minh được áp dụng: Văn bản thuyết minh về địa điểm du lịch, về con vật, về một vấn đề khoa học nào đó…
Để xác định phương thức biểu đạt này cần chú ý. Những câu văn chỉ đặc điểm riêng, nêu bật đối tượng để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về chúng.
Ví dụ:
“Nước là yếu tố thứ hai quyết định sự sống chỉ sau không khí, vì vậy con người không thể sống thiếu nước. Nước chiếm khoảng 58 – 67% trọng lượng cơ thể người lớn và đối với trẻ em lên tới 70 – 75%, đồng thời nước quyết định tới toàn bộ quá trình sinh hóa diễn ra trong cơ thể con người.
Khi cơ thể mất nước, tình trạng rối loạn chuyển hóa sẽ xảy ra, Protein và Enzyme sẽ không đến được các cơ quan để nuôi cơ thể, thể tích máu giảm, chất điện giải mất đi và cơ thể không thể hoạt động chính xác. Tình trạng thiếu nước do không uống đủ hàng ngày cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của não bởi có tới 80% thành phần mô não được cấu tạo từ nước, điều này gây trí nhớ kém, thiếu tập trung, tinh thần và tâm lý giảm sút…”
Phương thức diễn đạt nghị luận
Phương thức diễn đạt nghị luận là bàn luận về vấn đề, sự kiện nào đó đang diễn ra. Văn nghị luận cho chúng ta biết được các quan điểm về vấn đề sai – đúng như thế nào. Song song đó, thì văn Nghị luận còn giúp tác giả bộc lộ những ý kiến riêng và từ đó thuyết phục người nghe sẽ đồng tình với các quan điểm mà tác giả đưa ra.
Phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ của văn nghị luận về một tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng đời sống… Đây là dạng văn bản thường áp dụng trong phương thức nghị luận.
Dưới đây là một số các nhận biết văn nghị luận:
Vấn đề, quan điểm cần đưa ra bàn luận, phân tích.
Các luận điểm, luận cứ để từ đó phân tích, chứng minh, giải thích và bình luận…
Ví dụ:
“Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân phong kiến.
Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa”
Phương thức biểu đạt Hành chính
Phương thức hành chính thường mang tính trịnh trọng, có độ chính xác cao. Những văn bản hành chính chỉ đơn thuần nhằm thông báo, cam kết và yêu cầu tuân thủ các quy định của một tập thể – tổ chức.
Các phương thức này được sử dụng để giao tiếp giữa các cơ quan nhà nước với nhân dân, các quốc gia với nhau…
Một số văn bản thường gặp trong phương thức hành chính là: giấy xin phép nghỉ học, hợp đồng lao động… Đây là những văn bản hành chính mà chúng ta thường gặp hàng ngày.
Trên đây là những kiến thức mà dapanchuan.com mong muốn chia sẻ cùng các bạn học sinh về phương thức biểu đạt và cách nhận chúng. Và hi vọng các bạn có thể vận dụng tốt vào các bài văn để làm bài thi thật tốt.